Mùa hè bóng đá

“Lại một mùa hè biết bao say mê…”

Mùa hè biết bao say mê ấy không phải là mùa hè tình nguyện trong bài hát tui mượn lời, mà là mùa hè bóng đá. Lại một mùa hè bóng đá biết bao say mê lại về.

Với dân yêu bóng đá, mùa hè bóng đá cứ hai năm lại có một lần. Hai năm là đến World Cup – Cúp bóng đá thế giới, hai năm sau lại đến Euro – Giải vô địch bóng đá châu Âu rồi lại tiếp tục hai năm sau quay lại World Cup và chu kì cứ thế lại tiếp tục. Từ khi tui biết xem bóng đá đến nay, những mùa giải hai năm một lần như thế này đã thành một phần của mùa hè từ giữa tháng 6 đến giữa tháng 7.

Nếu ai đó hỏi mình thích World Cup hay Euro hơn thì với tui thì tui thích Euro hơn. World Cup như một ngày hội của toàn thế giới. Ở đó, người ta chứng kiến nhiều phong cách bóng đá cùng những câu chuyện xoay quanh những cổ động viên và nền văn hóa nhiều sắc màu tụ họp lại. Nhưng Euro thì hấp dẫn hơn vì tính cạnh tranh. Ở Euro, các đội bóng ở cùng một châu lục đang ngày càng xích lại gần nhau về trình độ. Điều đó làm các trận đấu trở nên cạnh tranh hơn, khó đoán hơn và tính bất ngờ cao hơn, vì thế hấp dẫn hơn. Với lại, có lẽ do đã quen xem các giải bóng đá châu Âu mà sự quen thuộc làm người ta cảm thấy gắn bó và hứng thú với giải đấu hơn. Và thực sự, Euro năm nay là Euro hấp dẫn nhất tui từng xem. Cân bằng, kịch tính, quá nhiều bất ngờ, quá nhiều trận đấu thú vị.

Nhắc đến World Cup và tính “hội hè” của nó lại nhắc tui về những ngày hè ở nước Nga năm 2018. Đi xem World Cup lần đầu tiên lúc ấy với tui thực sự rất vui, dù mệt vì phải di chuyển bằng tàu hỏa liên tục, phải ăn ở tằn tiện vì túi tiền sinh viên nhưng những ngày hòa mình vào không khí náo nhiệt cùng cổ động viên từ khắp nơi trên thế giới, cảm giác bước chân vào một sân vận động theo dõi một trận đấu World Cup thực sự hay những người bạn gặp ở trên đường làm những ngày hè ấy thật đẹp. Đấy là giải đấu lớn cuối cùng trước khi COVID-19 xuất hiện và có lẽ sẽ mãi mãi làm thay đổi những mùa hè bóng đá say này. Phải mà không có COVID thì mùa hè 2020 đã có thể là một mùa hè bóng đá ở châu Âu thực sự chứ không phải qua màn ảnh nhỏ như thế này.

Mùa hè bóng đá ở Việt Nam là mùa hè của những đêm không ngủ, những đêm thức trắng để dõi theo những trận cầu qua màn ảnh nhỏ. Nếu như giờ thi đấu của mỗi kì World Cup phụ thuộc vào châu lục tổ chức thì những trận đấu ở châu Âu luôn là nửa đêm về sáng. Có lẽ vì ở Việt Nam đã quen với các giải bóng đá ở châu Âu mà thức khuya xem bóng đá đã thành một thói quen từ bao giờ. Và có thể đó là lí do mà người ta luôn thích World Cup ở châu Âu hay một nơi nào đó mà bóng đá diễn ra vào buổi tối. Cảm giác nửa đêm pha gói mì, làm lon bia chờ xem một trận bóng, vừa xem vừa nhấm mồi và bàn luận với lũ bạn cùng xem với những kẻ như tui là một thứ không thể cưỡng lại được. Một tháng xem bóng đá, thôi thì chịu khó thay đổi nhịp sinh hoạt một chút vì đam mê, ngày hôm sau có uể oải một tí, sau giải có tăng cân một tí cũng không sao, miễn là được xem các ngôi sao thi đấu. Nhất là năm nay, khi dịch dã trói chân con người ta ở nhà, Euro lại là món ăn tinh thần không thể thiếu.

Với những trái tim yêu bóng đá, mùa hè bóng đá làm thời gian “ăn cùng bóng đá, ngủ cùng bóng đá”. Người ta vì yêu những trận cầu mà đành đặt mọi loại tình yêu khác xuống hàng phía sau. Những bà vợ và những cô người yêu, nếu không là những người không xem bóng đá bao giờ thì có lẽ sẽ không bao giờ hiểu được. Hai năm mới có một tháng, mấy tay mê banh bóng sao lại có thể bỏ lỡ những ngày được quên đi những lo âu hàng ngày, những cằn nhằn thường nghe để đắm mình vào những niềm vui giản đơn từ trái bóng tròn được?

Euro năm nay tui có in một cái lịch thi đấu nhỏ, đặng để cập nhật tỉ số các trận đấu. Lịch thi đấu dán tường, cũng như báo tin nhanh giải bóng đá, vốn là đặc sản của mùa hè bóng đá ở Việt Nam. Thời tui trẻ hơn bây giờ vài năm, nhà hay mua lịch thi đấu từ những sạp báo. Lịch thi đấu khổ A0 hay A1, in màu trên giấy couché, hay được bán riêng hoặc tặng kèm mấy tờ tạp chí bóng đá hoặc những số báo đặc biệt trước khi giải đấu bắt đầu. Qua bao nhiêu mùa giải, qua bao nhà thiết kế, lịch thi đấu ở Việt Nam nhìn chung không thay đổi theo thời gian. Trên lịch thi đấu in đầy đủ lịch thi đấu của tất cả các trận đấu trong giải, kèm khung để có thể dùng bút bi hay bút chì ghi tỉ số mỗi trận, khung để ghi tên các đội vào vòng trong kèm hình các ngôi sao bóng đá. Màu sắc nhìn chung là sặc sỡ, ít khi theo một bảng màu hay hệ thống nhận diện nào nên tạo cảm giác bình dân, dễ gần. Thường tui thấy nhiều nhà mua lịch thi đấu sau khi mùa giải kết thúc sẽ để tờ lịch yên vị luôn ở trên tường cho đến nhiều năm sau. Tờ lịch từ năm này qua năm khác trở thành một phần trang trí của tường nhà, lưu lại kỉ niệm về một mùa hè bóng đá của gia chủ, dần phai màu hoặc bám bụi trên bề mặt để chờ một mùa hè bóng đá tiếp theo. Tui đã định mua một tờ lịch lớn, nhưng nghĩ lại thì cũng…phí vì nhà chỉ còn một mình mình xem bóng đá nên chỉ in một tờ lịch nhỏ đơn giản từ Internet. Mỗi lần xong trận đấu là lại tự giác lấy bút bi ghi tỉ số. Đến khi điền xong ô tỉ số cuối cùng, nhìn lại thấy cũng vui vui.

Kỳ Euro này tui cổ vũ cho 3 đội: Đan Mạch, Ý và Bồ Đào Nha. Hai đội sau là vì tình cảm của mình dành cho hai quốc gia đó. Tui thích Bồ Đào Nha và Ý, vì những kỉ niệm đẹp đẽ khi đến thăm những nơi này. Tui nghĩ những kỉ niệm đẹp hay cảm tình đối với một quốc gia nào đó, nhất là khi người ta đã đặt chân đến, sẽ tác động vào quyết định lựa chọn cổ vũ một đội tuyển nào đó. Đan Mạch thì đặc biệt hơn, vì đó là nơi tui đã sống xa nhà lần đầu tiên trong đời. Tui nghĩ ở đất nước đầu tiên mà người ta di cư sang, người ta càng nhiều trải nghiệm tốt đẹp thì người ta càng có nhiều cảm tình dành cho quốc gia đấy. Cảm tình này sẽ lớn dần và biến thành sự ủng hộ lâu dài khi quốc gia này tham gia bất kì cuộc thi nào, thậm chí ngay cả sau khi người ta rời khỏi nơi đấy. Đan Mạch đã đối xử với tui rất tốt suốt một năm trời tui đi học, vậy nên tui trở thành một cảm tình viên, một cổ động viên nhiệt thành cho đội tuyển Đan Mạch, đến mức tui đặt luôn một chiếc áo đấu của đội Đan Mạch từ nước ngoài về để cổ vũ vì ở Việt Nam chẳng ai bán cả. Không mấy người Việt Nam là cổ động viên của Đan Mạch và đội tuyển nước này không nổi tiếng đến mức để một nước xa xôi ít liên hệ lại có lý do để bán áo của họ.

Thật may mắn là đội Ý đã vô địch. Ý là một trong 3 đội tui ủng hộ kì này vì những tình cảm tốt đẹp sau những lần sang đây lang thang, sau những ngày sống chung với đám bạn người Ý ở kí túc xá và vì những người mình yêu quý đang ở Ý. Những cuộc điện thoại dài để nói về đội Ý, về những cổ động viên Ý và về không khí rạo rực nước Ý những ngày bóng lăn làm mùa hè bóng đá ở châu Âu gần với bản thân mình hơn bao giờ hết. Sự sôi nổi và chia sẻ ấy xóa đi những ngày giãn cách vì dịch bệnh uể oải đến mức tù túng.  

Khi bản nhạc Un’Estate Italiana vang lên ở Wembley sau trận chung kết, tui biết rằng mùa hè bóng đá đã đến hồi kết thúc. Một mùa hè Italia thật sự khi đội Ý lên ngôi vô địch ngay trên sân nhà của đối thủ. Một mùa hè Italia trong căn phòng nhỏ của mình.

Thật là một mùa hè bóng đá đáng nhớ.