Một người Sài Gòn vừa ra đi

(Ảnh: Báo Tuổi Trẻ)

Chú Nghĩa mất đã được một tuần. Nhà văn Lê Văn Nghĩa. Một người Sài Gòn vừa ra đi, một cách đột ngột và bất ngờ.

Tôi là bạn trên Facebook của chú đã lâu, hình như là từ hồi đọc xong cuốn sách của chú. Là bạn trên Facebook nhưng bao năm nay tôi chỉ nhấn nút like bài viết chứ chẳng bao giờ bình luận, cũng không bao giờ nhắn tin riêng. Tôi chỉ dõi theo những chia sẻ của chú về Sài Gòn và những thứ hàng ngày, như bao người hâm mộ khác lặng lẽ đứng từ xa nhìn thần tượng của mình.

Nói thần tượng như kiểu phát cuồng lên thì cũng không phải, tôi chỉ là một người yêu thích văn của chú. Một giọng văn hóm hỉnh nhưng bình dị, thẳng tuột mà gần gũi theo kiểu người Nam Bộ. Từ những bài viết ghi tên Lê Văn Nghĩa trên báo Tuổi Trẻ đến anh Hai Cù Nèo trên báo Tuổi Trẻ Cười, cách viết ấy tôi đã thích thú từ những ngày tiểu học tập tành đọc báo.

Nhưng dù có biết anh Hai Cù Nèo nổi tiếng trên báo Tuổi Trẻ một thời như thế nào đi nữa, điều khiến tôi yêu quý chú chính là những cuốn sách chú viết về Sài Gòn. Sài Gòn thì nhiều người viết rồi, nhưng để nói người viết về Sài Gòn một cách Sài Gòn nhất, với tôi là chú Nghĩa.

Cái tên Mùa hè năm Petrus hằn vào trong tâm trí từ những ngày đầu tiên cuốn sách được xuất bản. Thú thật là tôi chưa đọc trọn vẹn, nhưng chỉ vài trích đoạn ngắn ngủi thôi cũng đã khiến tôi ấn tượng. Đến khi tôi mua và hoàn thành cuốn sách sau đó của chú: “Chú chiếu bóng, nhà ảo thuật, tay đánh bài và tụi con nít xóm nhỏ Sài Gòn năm ấy”, tôi chính thức điền tên Lê Văn Nghĩa vào vị trí nhà văn Sài Gòn tôi yêu thích nhất.

Cuốn sách ấy kể lại những câu chuyện ngày thường xoay quanh một lũ trẻ trong khu lao động nọ ở Sài Gòn gần 50 năm về trước. Kì lạ thay, tôi thấy thời thơ ấu của mình phảng phất phần nào qua Sài Gòn mà chú mô tả trong trang sách. Những trò chơi đường phố, khung cảnh của xóm lao động hay những câu nói hàng ngày của các nhân vật, tất cả đều có gì đó thân thuộc. Có lẽ vì cũng lớn lên trong con hẻm của dân lao động cùng với những đứa trẻ đồng trang lứa như bối cảnh trong cuốn sách mà cảm giác được thuộc về Sài Gòn của chú nó mãnh liệt và khiến tôi đồng cảm nhiều như thế. Sài Gòn trong cuốn sách là một Sài Gòn ấm áp, một Sài Gòn nghèo nhưng giản dị, cái thứ không khí mà may mắn thay cuối thập kỉ 90 và đầu những năm 2000 vẫn còn len lỏi trong từng góc phố ở Sài Gòn. Tôi thấy tuổi thơ của mình, tôi thấy Sài Gòn của mình, và tôi yêu sự thấy được đó.

Cũng như nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, văn của chú Nghĩa là thứ chứa đựng bối cảnh và tinh thần Sài Gòn những năm tôi lớn lên và ít nhiều sau này ảnh hưởng vào cách tôi viết. Tôi yêu Sài Gòn trong văn của chú bao nhiêu thì tôi lại càng yêu Sài Gòn trong tôi bấy nhiêu. Phải chăng là một sự cộng hưởng, Sài Gòn trong kí ức của những người Sài Gòn già truyền vào trải nghiệm lớn lên của một người Sài Gòn trẻ để rồi phần nào định hình nên bản thể Sài Gòn của tôi? Bản thể mà như một câu nói chú từng viết trong sách mà bây giờ tôi nhớ mãi vì cái chất Sài Gòn của nó: “Dầu hèn cũng thể”.

Vậy nên bây giờ, điều day dứt là chưa một lần được gặp mặt chú chỉ để cho một cái bắt tay và đôi lời hỏi chuyện chú về Sài Gòn. Chỉ còn lại lời từ biệt trong tâm trí mong chú an nghỉ.

Và một lời cảm ơn nữa. Cảm ơn chú vì Sài Gòn của chú đã cho cháu biết mình yêu nơi mình sinh ra nhiều như thế nào và cho cháu biết tự hào vì là người Sài Gòn như thế nào.

Tạm biệt chú.

Leave a comment