Khoảnh khắc được tái tạo

Nụ cười Đà Lạt.
Lúc đầu chú bé rất ngại, liên tục trốn ống kính. Nhưng sự kiên nhẫn và cú bấm máy đúng thời cơ đã chiến thắng.

Tuần trước tôi và bạn tôi có một cuộc tranh luận nhỏ về nhiếp ảnh, nguyên nhân từ việc tôi và các em nhỏ quan sát cách chụp của cậu ấy. Trong cách chụp ấy, người chụp ảnh yêu cầu nhân vật diễn lại những gì vừa xảy ra, yêu cầu nhân vật thể hiện động tác, cử chỉ và biểu lộ cảm xúc theo ý đồ của anh ta. Cách chụp này không mới, tôi đã thấy nhiều lần khi các đoàn nhiếp ảnh gia đi sáng tác ở một miền đất nào đó, kiểu như ở sa mạc thì thuê mấy cô bán hàng đi bộ thành một hàng trên bãi cát với điệu bộ và tư thế giống nhau.

Mỗi người có một phong cách chụp, dĩ nhiên tôi không ép buộc hay nhận định phong cách nào là đúng hay sai, nghệ thuật không có chuẩn mực đúng hay sai nhưng từ quan điểm cá nhân tôi phản đối cách chụp ấy. Nếu đặt mình là một nhân vật trong bức ảnh được chụp như thế, tôi tin rằng nhiều người sẽ rất khó chịu, vì không phải ai cũng diễn được, không phải lúc nào cũng thể hiện được thứ cảm xúc vốn không phải là của mình. Những bức ảnh ấy có thể đẹp, có thể hoàn hảo nhưng liệu cảm xúc – thứ chi phối rất nhiều đến người xem ảnh liệu có còn nguyên vẹn đối với người được chụp? Liệu họ sẽ nhìn vào nó như một khoảnh khắc tự nhiên nhưng đẹp đẽ hay là một tấm ảnh được chụp với cảm xúc của người khác?

Bạn tôi cho rằng việc tái tạo là cần thiết vì có những khoảnh khắc quá nhanh không thể nào bắt kịp và việc tái tạo đảm bảo một bức ảnh tốt và hoàn hảo. Đành rằng tái tạo đôi khi cần vì lí do công việc, nhưng có nhất thiết lúc nào cũng phải “tái tạo” khoảnh khắc hay không? Trong công việc, đôi khi tôi cũng phải sử dụng việc sắp đặt nhưng hầu như chuyện đó xảy ra rất ít và tôi thường ít tác động vào nhân vật mà chỉ di chuyển sự vật xung quanh để hạn chế chi tiết thừa. Tôi không rõ chỗ cậu ấy làm việc có khuyến khích việc này hay không nhưng nếu như họ dạy cậu ấy phải chụp như thế, tôi sẽ cảm thấy rất thất vọng. Ảnh báo chí nên tôn trọng sự thật khách quan, sự sắp đặt sẽ dễ dàng đẩy câu chuyện đi theo hướng chủ quan của người chụp, nhiều khi dẫn đến sai lệch. Đối với tôi, khoảnh khắc và cảm xúc tự nhiên luôn được tôn trọng lên hàng đầu, thứ nhất vì bản thân nhân vật phải thoải mái và tự nhiên thì bức ảnh mới thật sự “có hồn”. Thứ hai, bức ảnh không sắp đặt dù có thể có khiếm khuyết nhưng nó “người” hơn và thật hơn, sự hoàn hảo quá đôi khi gây cảm giác giả tạo. Ngoài ra, việc hạn chế sắp đặt khiến người chụp tập trung vào khoảnh khắc hơn, dù họ có thể bị trượt một vài khoảnh khắc lúc đầu nhưng sự trau dồi và tập trung lâu dài sẽ nâng cao trình độ cũng như kĩ năng cá nhân rất nhiều, cảm giác bấm máy cũng tốt hơn.

Teamwork.
Tôi dùng một máy ảnh du lịch (compact) để chụp ảnh này. David và đồng đội của cậu đã rất vất vả để hoàn thành thử thách. Tôi đã phải nằm ra sàn để chụp, thật không dễ nhưng cuối cùng cũng đã chụp được một tấm khá ưng ý.

Có thể ảnh của tôi không thể hoàn hảo 100%, không thể chính xác bố cục và khoảnh khắc có thể không đắt nhưng chí ít đó là một tấm ảnh tự nhiên, với cảm xúc thật, với hành động thật. Và nếu đó là một khoảnh khắc đẹp, cảm giác của tôi sẽ “sướng” hơn nhiều so với một cảnh được dàn dựng tương tự.

NIềm vui của người chụp ảnh là chụp được những bức ảnh đẹp, bắt được những khoảnh khắc hay, tìm ra những góc nhìn mới không khuôn mẫu và mang lại niềm vui cho người được chụp. Điều đó không đúng sao?

Mà tôi tự hỏi, liệu các phóng viên chiến trường sẽ “tái tạo” khoảnh khắc như thế nào?

Bạn tôi có thể có lí lẽ riêng của cậu ấy, nhưng với tôi, cái đẹp từ những khoảnh khắc tự nhiên và là thành quả của sự kiên nhẫn giá trị hơn cái đẹp từ sự dàn dựng theo ý đồ của người chụp.

Sự khiếm khuyết chân thành bao giờ cũng giá trị hơn sự hoàn hảo được dàn dựng.

Chia tay.
Tôi chú ý đến cô gái khi cô ấy ôm tạm biệt bạn mình lúc họ đi ra xe buýt, họ đã khóc rất nhiều. Khoảnh khắc này bây giờ tôi xem lại vẫn cảm thấy bồi hồi.

Chiếc phao cứu sinh

Tuyển U.19 - phao cứu sinh của bóng đá Việt Nam
Có lẽ những ngày này, chủ đề được nhắc đến nhiều nhất trong cuộc nói chuyện của đa số người Việt Nam sẽ là tuyển U.19 và màn trình diễn của họ tại giải U.19 tứ hùng quốc tế – Cúp NutiFood.

Tối qua, tôi chứng kiến một cảnh tượng mà đã rất lâu rồi không còn được thấy. Các khán đài của sân vận động Thống Nhất không còn một chỗ trống, tất cả mọi người trên đường nhanh chóng về nhà, hay sà vào những quán cà phê đông nghẹt người hướng mắt lên màn hình tivi. Trên từng con đường lâu lâu lại có những tiếng reo hò vang lên, còn anh bình luận viên bóng đá hào hứng không ngớt lời ca ngợi.

Chưa bao giờ, cộng đồng mạng lại lên cơn sốt về đội tuyển quốc gia trước một giải đấu mang tính giao hữu. Đây là giải đấu mà vé chợ đen vào thời điểm sốt nhất giá còn cao hơn giá vé cho trận đấu của đội tuyển Việt Nam gặp đội Olympic Brazil cách đây mấy năm. Lần đầu tiên, người ta kéo đến sân vận động không phải để xem những đội bóng nổi tiếng thế giới (dù chỉ là đội trẻ) đến Việt Nam thi đấu như vẫn từng làm khi Olympic Brazil, Barcelona B hay Olympiakos đến đây mà xem các chàng trai chỉ mới 17, 18 tuổi đá có như đồn đại hay không. Cũng phải mấy năm rồi, từ cái hồi Công Vinh đánh đầu tung lưới Thái Lan mang lại chức vô địch AFF Cup năm 2008, người dân Việt Nam mới lại được sống trong bầu không khí cuồng nhiệt đến thế.

Giờ đây, một đội bóng trẻ tuổi đời chưa qua 20, đá một giải đấu chỉ mang tính giao hữu lại nhận được sự quan tâm của nhân dân còn hơn cả đội tuyển quốc gia đi đá cúp Đông Nam Á!

Đội bóng trẻ ấy đã chơi một thứ bóng đá quyến rũ, trong sáng và đẹp mắt. Cái thứ bóng đá đã từng làm say đắm biết bao người thời Hồng Sơn, Huỳnh Đức còn xỏ giày hay thời Văn Quyến chưa vào đường lầm lỡ. Cái thứ bóng đá ấy, làm người ta sướng vì sự sòng phẳng, làm người ta tiếc xuýt xoa vì sự cố gắng và làm người ta phải tán thưởng dù đội nhà thua cuộc.

“Hi vọng mới”, “Tương lai”, hay “Niềm tin” lại được nhắc đến nhiều trở lại trên những trang báo, trên những lời bình luận của chuyên gia, những lời bàn tán trên vỉa hè thậm chí trên những dòng trạng thái ở Facebook.

Đội tuyển U.19 đã trở thành một chiếc phao cứu sinh cho bóng đá Việt Nam. Chiếc phao cứu sinh cho thứ gọi là “niềm tin”.

Không là phao cứu sinh sao được, khi mà SEA Games 27 vừa rồi, tuyển U.23 Việt Nam ê chề bị loại từ vòng bảng, bóng đá nữ cay đắng mất vàng, giải bóng đá quốc gia vẫn đầy rẫy bạo lực và kịch nghệ, còn VFF vẫn loay hoay chưa tìm ra được thay đổi gì tích cực hơn.

Không là phao cứu sinh sao được, khi mà năm qua, người ta đã quá bội thực với lá cải trên mạng, với ma trận tin giật gân “hở, hiếp, cướp, giết”, với sự mọc lên nhan nhản của bồi bút, còn báo chân chính trên bờ vực đóng cửa.

Không là phao cứu sinh sao được, khi ca sĩ bỏ hát lo chuyện scandal, khi phim dở ra rạp đều đặn, phim hay tìm mỏi mắt lèo tèo vài phim, còn sách nhật kí hành trình nhuốm mùi “chém gió”, lòe bịp mấy bạn trẻ non nớt.

Không là phao cứu sinh sao được, khi bác sĩ đi giết bệnh nhân, nhà văn diễm tình đi lừa đảo còn mạng xã hội đầy rẫy “anh hùng bàn phím” kèn cựa với “những nhà đạo đức học”.

Trong cái bối cảnh ấy, khi người ta đã quá mệt mỏi với cơm áo gạo tiền, với giá điện giá xăng ngày càng tăng còn đồng lương càng teo tóp, với gần hai chục triệu nợ công đang gánh trên vai, còn gì bấu víu để mà tin?

Chỉ còn đội tuyển U.19 Việt Nam, chiếc phao cứu sinh để người ta tìm lại chút niềm vui hăng say những ngày cuối năm. Thứ bóng đá trẻ trung, đẹp mắt và trong sáng ấy mang lại niềm tin rằng vẫn còn những sự đầu tư đàng hoàng từ những con người tâm huyết, mang lại niềm tin về sự tử tế trong bối cảnh những giá trị đang bị đảo lộn, hay đơn giản chỉ là tinh thần dân tộc vốn đang bị thử thách trỗi dậy mạnh mẽ.

Song hỡi ôi, liệu cái phao “U.19” với những chàng trai trẻ có đủ sức để gần 90 triệu con người Việt Nam bám vào? Niềm tin và hy vọng sẽ về nơi đâu nếu U.19 không còn? Chỉ mong sao truyền thông nhà mình tử tế đừng tung hô các em lên mây xanh khi các em chưa vững vàng. Chỉ mong sao các bác có quyền tử tế đừng bỏ bê tắc trách. Chỉ mong sao các em được dạy dỗ đàng hoàng để một “thế hệ vàng” nữa không bị thui chột hoang phí và để người ta còn “chiếc phao” để bám vào.

Song ngoài biển cả, có những lúc chiếc phao cứu sinh không đủ để người ta sống sót vượt qua giông bão. Vì thế, tốt nhất là người Việt Nam sang năm mới sống tốt với nhau hơn một chút, để đội tuyển U19 Việt Nam không phải làm “chiếc phao cứu sinh” cho niềm tin của dân tộc.

Còn hi vọng có lẽ cũng nên được đặt vừa phải, cái gì quá cũng không tốt!

Bài viết đã được đăng trên Một Thế Giới, ngày 7/1/2014

http://motthegioi.vn/ireport/tuyen-u19-phao-cuu-sinh-cua-bong-da-viet-nam-37159.html